Những nguyên nhân làm tăng sắc tố da

Tình trạng tăng sắc tố da thường xảy ra ở những người tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời, có nhiều thương tổn trên da và bị nám.

Melanin là sắc tố mang lại màu sắc cho da, tóc và mắt của con người. Những người da sẫm màu thường có nhiều melanin hơn. Khi những tế bào da bị tổn thương hoặc không khỏe mạnh, melanin có thể sản sinh ra nhiều hơn và kết tụ lại, khiến khu vực đó trở nên đậm màu hơn bình thường. Những nguyên nhân phổ biến làm tăng sắc tố da như:

Viêm da

Các vấn đề trên da như mụn trứng cá, chàm, vết côn trùng cắn, vết cắt, vết trầy xước đều có thể gây viêm. Tình trạng này có thể khiến các tế bào sắc tố hoạt động mạnh, để lại vết thâm sau khi vết thương đã lành. Đây được gọi là chứng tăng sắc tố sau viêm.

Ánh nắng mặt trời là tác nhân gây ra sắc tố da không đồng đều. Ảnh: Freepik

Ánh nắng mặt trời là tác nhân hàng đầu gây tăng sắc tố da. Ảnh: Freepik

Tia UV

Ánh nắng mặt trời là tác nhân hàng đầu khiến sắc tố da không đồng đều và có thể dẫn đến các vấn đề về da khác. Khi tiếp xúc với tia UV, cơ thể sẽ kích hoạt sản xuất thêm melanin như một cách để bảo vệ làn da khỏi bị hư hại. Lượng melanin dư thừa khiến da trở nên rám nắng. Nếu bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên hơn, da sẽ xuất hiện các vết nám, đồi mồi.

Thay đổi nội tiết tố

Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai và mãn kinh thường làm tăng lượng melanin, khiến nữ giới xuất hiện những vùng tăng sắc tố trên da gọi là nám. Nám da thường gặp ở những vùng như trán, hai bên má, mũi và quanh môi. Chúng sẽ mờ dần trong vài tháng, khi nồng độ hormone trở lại mức bình thường và cơ thể giảm sản sinh melanin.

Bệnh lý

Tăng sắc tố da cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh như bệnh tự miễn, bệnh đường tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa và thiếu vitamin. Ngoài ra, một số loại thuốc như thuốc hóa trị, thuốc kháng sinh, thuốc chống sốt rét và thuốc chống động kinh cũng làm tăng sản sinh melanin.

Một số tình trạng tăng sắc tố da có thể giảm dần theo thời gian. Những trường hợp nặng hơn sẽ cần dùng Kem, thuốc bôi hoặc những phương pháp điều trị hiện đại như bắn laser, điện di da mặt, tiêm HA, lăn kim. Để ngăn ngừa và giảm thiểu tăng sắc tố da, người bệnh nên lưu ý những biện pháp sau:

Dùng kem chống nắng: Cách hiệu quả để ngăn ngừa đổi màu da do ánh nắng mặt trời là thường xuyên thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên và thoa lại sau mỗi hai giờ. Mọi người nên tránh ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10h đến 14h vì đây là lúc ánh nắng mặt trời mạnh nhất.

Giữ ẩm da: Các chất giữ ẩm như glycerin hoặc axit hyaluronic, retinol trong kem dưỡng ẩm giúp tăng cường tái tạo tế bào da, phục hồi hàng rào lipid hoặc chất béo của da. Chúng còn giúp các tế bào da mới được hình thành để thay cho các tế bào cũ.

Tránh chạm vào các thương tổn trên da: Việc tác động trực tiếp lên vùng da bị tổn thương sẽ chỉ làm tăng tình trạng viêm nhiễm và sớm gây đổi màu da. Mỗi người nên hạn chế các thói quen sờ hoặc gãi lên các vùng thương tổn. Những trường hợp mắc bệnh về da như mụn trứng cá, viêm da, vảy nến… cần được điều trị y tế để cải thiện tình trạng viêm.

Chọn sản phẩm dưỡng da lành tính: Các sản phẩm chăm sóc da chứa hoạt chất mạnh có thể gây kích ứng da hoặc làm tình trạng tăng sắc tố nghiêm trọng. Do đó, bạn nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, ít kiềm, không gây châm chích hoặc bỏng rát cho da.